Phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm

Thứ năm - 22/03/2018 14:15

Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là gì?

Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bệnh là kết quả của sự kết hợp các yếu tố nguy cơ như môi trường và hành vi.

 Phần lớn các bệnh không lây nhiễm là các nhóm bệnh như bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Mối nguy hại của bệnh không lây nhiễm

          Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) vào năm 2017:
- Bệnh không lây nhiễm giết chết 40 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, tương đương với 70% số ca tử vong.
- Bệnh tim mạch chiếm phần lớn số ca tử vong (17,7 triệu người/năm), tiếp theo là ung thư (8,8 triệu người/năm), bệnh về đường hô hấp (3,9 triệu người/năm) và bệnh đái tháo đường (1,6 triệu người/năm). 4 nhóm bệnh này chiếm hơn 80% số ca tử vong sớm do BKLN.
- BKLN đang có xu hướng trẻ hóa dần, mỗi năm có 15 triệu người tử vong do bệnh BKLN trong khoảng từ 30 đến 69 tuổi.
BKLN nguy hiểm nhưng có thể dự phòng được nếu phòng tránh và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm
          Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), 4 yếu tố nguy cơ chính của bệnh không lây nhiễm là:
- Hút thuốc lá
- Sử dụng đến mức có hại các chất có cồn (rượu, bia)
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Không hoạt động thể chất/hoạt động thể chất không đủ thời gian.
PHÒNG CHỐNG CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM NHƯ THẾ NÀO?
Không hút thuốc lá, nếu đã hút thì nên cai thuốc.
Thuốc lá có hại không chỉ cho người hút mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của  những người xung quanh, những người hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động).
Nếu chưa hút thuốc lá thì không nên hút thuốc lá dưới bất cứ hình thức nào, nếu đã hút thì nên quyết tâm từ bỏ. Vì từ bỏ thuốc lá sẽ đem lại kết quả tốt: sau 1 năm không hút thuốc nguy cơ bệnh mạch vành giảm xuống một nửa so với người hút thuốc và 5 đến 15 năm sau bỏ thuốc nguy cơ đột quỵ giảm xuống như người chưa hút thuốc.
Không uống rượu, bia hoặc các loại thức uống có cồn đến mức có hại.
Rượu, bia hoặc các loại thức uống có cồn nếu uống ít, đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe và ngược lại nếu uống quá nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.
WHO khuyến cáo uống rượu bia như sau: 2 lượng chuẩn/ngày đối với nam và 1 lượng chuẩn/ngày đối với nữ
1 lượng chuẩn bia = 1 chai/lon 330ml
1 lượng chuẩn rượu 40 độ như brandy, wiskey, vodka, gin, rượu gạo = 1 ly nhỏ (30ml)
1 lượng chuẩn rượu vang = 1 ly 120ml
Nên uống rượu bia theo mức khuyến cáo của WHO, không nên uống quá nhiều trong ngày sẽ dễ gây ngộ độc rượu bia hoặc uống liên tục trong nhiều ngày sẽ dễ dẫn đến nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm.
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh là một chế độ ăn đúng cách, đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo trong bữa ăn phải cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất.
Chất bột đường: ăn đủ tùy theo nhu cầu hoạt động thể lực của từng người, không ăn quá nhiều chất bột đường sẽ dễ dẫn đến thừa cân béo phì và đái tháo đường; nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt hoặc nhiều chất xơ như gạo lức, gạo giã, bánh mì đen,.. Có thể dùng thêm các loại tinh bột khác đa dạng như khoai lang, khoai mì, bắp,...
Chất đạm: ăn ở mức vừa phải, nên ăn phối hợp cả đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật nên ăn phối hợp và đa dạng các loại như: thịt (hạn chế thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu,...), cá (ăn thêm cá biển để cung cấp các loại khoáng chất như i-ốt, canxi, flour,...), tôm, cua, trứng, sữa,... Đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu và hạt như: đậu xanh, đậu nành,...
Chất béo: ăn ở mức vừa phải, không nên ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tăng mỡ máu gây xơ vữa mạch và các rối loạn khác. Nên phối hợp giữa chất béo no và chất béo không no, chất béo từ động vật và thực vật. Chất béo no nên ăn hạn chế, tăng cường chất béo không no. Chất béo no có trong mỡ heo, mỡ bò, dầu dừa,...; chất béo không no có trong các loại dầu thực vật; dầu cá; các loại hạt như hạt óc chó, mè, đậu phộng,... Hạn chế ăn các loại da động vật, nội tạng (bao tử, ruột, tim, gan,...) vì chứa rất nhiều cholesteron.
Vitamin và chất khoáng: tăng cường ăn rau, củ, trái cây; ăn đa dạng nhiều loại khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ 400g/người/ngày (kể cả ăn sống và nấu chín) giúp bổ sung vitamin, chất xơ và các chất khoáng cần thiết. Ngoài ra ăn nhiều rau củ quả còn chống táo bón, phòng ngừa thừa cân béo phì.
Tóm lại, cần tránh ăn quá nhiều, nhiều hơn so với nhu cầu cơ thể sẽ dẫn đến thừa cân béo phì gây đái tháo đường, bệnh gút, tăng mỡ máu.
          Ngoài việc ăn theo 4 nhóm thực phẩm, việc chế biến cũng rất quan trọng, nên nếm lạt (ít muối, ít đường và cả bột ngọt). Ăn muối ≤6g/người/ngày (6g tương đương với 1 muỗng coffee). Hạn chế ăn các loại thức ăn chiên, nướng, quay.
          Tham khảo lượng thực phẩm nên ăn vào theo tháp dinh dưỡng dưới đây:
(hình ảnh tháp dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng).
3 22 2018 2 07 22 PM
Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng cho sức khỏe, tầm vóc và chí tuệ
Tích cực hoạt động thể chất
Việc hoạt động thể chất đúng cách, đủ thời gian và duy trì đều đặn sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và phòng ngừa các bệnh mạn tính nguy hiểm.
* Phân loại hoạt động thể chất:
Được chia thành 3 mức độ:
Hoạt động thể chất cường độ mạnh: là khi hoạt động thở hổn hển, tim đập nhanh và  thời gian hoạt động ≥10 phút/lần, tổng thời gian hoạt động ≥75 phút/tuần.  Ví dụ: chạy nhanh, tập aerobic, đá banh, đào mương, cuốc đất, mang vác >20kg,...
Hoạt động thể chất cường độ trung bình: là khi hoạt động thở mạnh hơn bình thường và thời gian hoạt động ≥10 phút/lần, tổng thời gian hoạt động ≥150 phút/tuần. Ví dụ: đi bộ nhanh, khiêu vũ, làm vườn, làm việc nhà, chơi đùa với trẻ con, sơn tường, mang vác <20kg,...
Hoạt động thể chất nhẹ: là khi thời gian hoạt động <10 phút/lần và tổng thời gian hoạt động <150 phút/tuần.
WHO khuyến nghị về luyện tập thể chất như sau:
Tập thể chất với cường độ trung bình ít nhất 30 phút/ngày, mỗi tuần 5 ngày để đảm bảo tổng thời gian hoạt động ≥150 phút/tuần, nếu vì lý do nào đó mà không tập được liên tục 30 phút thì chia ra nhiều lần tập một ngày và mỗi lần tập ít nhất phải đạt 10 phút.
Hoặc tập với cường độ mạnh ít nhất 15 phút/ngày, mỗi tuần 5 ngày để đảm bảo tổng thời gian hoạt động ≥75 phút/tuần, mỗi lần tập ít nhất 10 phút.
Nên tăng lên 300 phút/tuần ở cường độ trung bình và 150 phút/tuần ở cường độ mạnh sẽ tăng hiệu quả hơn
Tập các động tác cho các cơ/nhóm cơ nên ≥2 ngày/tuần
Đối với những người già, lớn tuổi không thể thực hiện theo khuyến nghị thì nên tập luyện theo khả năng mà họ có thể thực hiện được.
Tóm lại, việc phòng chống bệnh không lây nhiễm cần hạn chế các yếu tố nguy cơ xấu và duy trì các thói quen lành mạnh có lợi cho súc khỏe.

Tác giả bài viết: BS. Nguyễn Thị Anh Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
[SITE_BTN_TOOL]