Sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu chững lại

Thứ hai - 15/07/2019 07:59
Số cas bệnh tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ ở các huyện, thị xã, thành phố, cho thấy tình hình sốt xuất huyết (SXH) ngày càng diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu chững lại.
Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, kiểm tra các lu, khạp chứa nước của người dân.
Trẻ hay người lớn đều mắc bệnh
Đốt nhang trừ muỗi, xịt thuốc diệt muỗi, cho con mặc quần, áo dài tay,… là giải pháp được anh Dung Thanh Lâm, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, quan tâm thực hiện sau đợt bệnh SXH của con gái nhỏ 6 tuổi. Anh Lâm nói: “Thấy con gái nóng tôi mua thuốc cho uống chứ đâu nghĩ bị SXH. Uống không bớt tôi mới đưa con đi bệnh viện khám, thì phát hiện bị SXH và phải nhập viện điều trị hơn một tuần. Cho nên, bây giờ về nhà tôi luôn thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống SXH cụ thể để hạn chế bệnh tái phát”.
Tình hình SXH đã và đang xảy ra phức tạp thời gian qua, gây nên nhiều lo lắng cho người dân, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Theo người dân, họ sợ những ảnh hưởng mà SXH mang lại như khiến sức khỏe giảm sút, gián đoạn việc học,… Tuy nhiên, trên thực tế, có kiến thức và thực hành phòng, chống SXH là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau khi một số hộ còn khá lơ là. Nhiều người dân chưa hiểu đúng về ý nghĩa của việc phòng, chống bệnh, hoặc có thái độ bất hợp tác trong công tác này, gây nên khó khăn cho ngành chức năng.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, cho biết: “Thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển, một số người dân có nhận thức nhưng lơ là phòng, chống dịch bệnh… được xem là những nguyên nhân khiến SXH gia tăng. Chúng tôi đã tiến hành thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tại cộng đồng, vận động và tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, giúp họ cùng chung tay thực hiện để mang về hiệu quả”. Tính đến ngày 10-7, huyện Châu Thành A ghi nhận 42 cas SXH, tăng 36 cas so cùng kỳ. Ban chỉ đạo huyện và các địa phương đang ráo riết, khẩn trương thực hiện công tác dập dịch, đảm bảo xử lý hiệu quả, tránh tình trạng bùng phát.
Bên cạnh đó, đối với những cas bệnh cũ, địa phương cũng tăng cường việc giám sát nhằm ngăn chặn tái phát, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân. Chị Lê Thu Đông, ở ấp 1A, xã Tân Hòa, nói: “Tôi có 3 cháu nhỏ nên rất sợ mắc phải SXH khi gần nhà có trường hợp bị bệnh. Để đề phòng SXH, tôi đậy kín các lu, khạp chứa nước, tăng cường vệ sinh môi trường, cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày,… chứ để mắc bệnh thì phiền phức lắm”.
Theo đánh giá chung, bệnh SXH trên địa bàn tỉnh không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà người lớn cũng có thể dễ mắc phải. Vì vậy, người lớn cũng cần ý thức và đừng chủ quan trong việc tự phòng bệnh cho bản thân.
Chủ động phòng, nâng cao ý thức người dân
Mặc dù tỉnh đã triển khai hai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và thực hiện các biện pháp xử lý dịch đúng quy định nhưng SXH vẫn gia tăng. Nắm bắt được thực trạng này, các địa phương đều chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp cụ thể để phòng, chống SXH, tạo sức lan tỏa phong trào, hiệu ứng sâu rộng trong Nhân dân.
Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Để hạn chế dịch bệnh, chúng tôi tăng cường công tác phòng, chống dịch chủ động. Tập trung lực lượng tuyến huyện, nhân viên một số trạm lân cận phối hợp với những trạm có số cas SXH cao, đi xuống các ấp để tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, kiểm tra mật độ lăng quăng”. Bên cạnh đó, khi tựu trường, ngành y tế huyện cũng sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, truyền thông đến học sinh để các em cùng gia đình phòng, chống SXH.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp, khi thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa xen kẽ làm cho độ ẩm cao, các côn trùng trung gian truyền bệnh phát triển nhanh. Tính đến ngày 10-7, toàn tỉnh ghi nhận 179 cas SXH, tăng 107 cas so cùng kỳ, trong đó, chỉ có 2 cas độ nặng, còn lại là độ 1. Chính điều này khiến việc chẩn đoán SXH độ 1 rất dễ nhầm với các bệnh sốt do nhiễm siêu vi khác. Dù số cas SXH tăng cao, nhưng tính ở 20 tỉnh, thành phía Nam, Hậu Giang vẫn có số cas mắc thấp nhất so với các địa phương khác.
Mặc dù vậy, ngành y tế địa phương luôn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền; quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại những nơi tình hình phức tạp cũng như các đơn vị còn lại. Mọi người hãy cùng nâng cao ý thức cá nhân trong phòng bệnh, chủ động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, không nên trông chờ, ỷ lại vào ngành y tế. Bà Trần Thị Ba, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi nghe trên báo, đài thông tin nhiều về tình hình bệnh SXH nên rất ngán ngại. Tôi nghĩ, thay vì đợi ngành chức năng vào cuộc nhắc nhở, bản thân gia đình mình nên tự ý thức để bảo vệ sức khỏe bản thân”.
Rất cần sự phối hợp tốt của người dân
Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần biết rõ lợi ích khi tham gia phòng, chống SXH, một việc làm thiết thực tại gia đình và cộng đồng. Khi có những biểu hiện nóng, sốt, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm, khám kịp thời, nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả. Khi ngành y tế phát hiện cas bệnh và tiến hành xử lý môi trường, người dân hãy phối hợp tốt để giúp công tác phòng bệnh được thực hiện thuận lợi hơn: Không có lăng quăng, không có bệnh SXH…
 
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[SITE_BTN_TOOL]