Chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trong trường học

Thứ ba - 27/08/2019 09:13
Các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm học mới, theo dự báo từ ngành y tế, đây sẽ là thời điểm thuận lợi khiến bệnh tay - chân - miệng (TCM) bùng phát và diễn biến phức tạp.
Các giáo viên luôn quan sát kỹ trẻ trước khi vào lớp học, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp bị bệnh.
Bệnh TCM đang xuất hiện ở khắp cả nước, khiến nhiều trẻ bị mắc, nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Tại Hậu Giang, đến ngày 21-8, toàn tỉnh ghi nhận 283 cas TCM, tăng 103 cas so cùng kỳ. Đối tượng mắc bệnh TCM thường là trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, việc phòng, chống TCM luôn được ngành y tế, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện.
Diễn biến phức tạp
Địa bàn phường III, thành phố Vị Thanh, hiện đã xuất hiện 10 cas TCM, khiến ngành chức năng không khỏi lo lắng, bởi tình hình có thể ngày càng diễn biến phức tạp. Để chủ động cho việc phòng, chống TCM, ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới, các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn đều đề ra nhiều kế hoạch cụ thể. Rút kết kinh nghiệm từ các năm trước, bà Trương Thị Kim Duyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Khi chuẩn bị vào năm học mới, giáo viên trường đã tiến hành dọn dẹp, lau chùi sàn, tường, ngâm đồ chơi của trẻ bằng Cloramin B nhằm đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý công tác phòng, chống dịch chủ động, đặc biệt là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến phụ huynh để họ hiểu. Khi phát hiện trẻ bệnh, trường sẽ thông báo ngay với phụ huynh để đưa cháu đi điều trị kịp thời, hạn chế lây lan”.
Tay - chân - miệng vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, cho nên phòng ngừa vẫn là biện pháp cần thiết nhất. Nhìn chung, số cas bệnh TCM ở các địa phương từ đầu năm đến nay đều tăng cao so cùng kỳ. Như huyện Vị Thủy 38 cas (tăng 26 cas), huyện Phụng Hiệp 60 cas (tăng 17 cas), huyện Châu Thành A 44 cas (tăng 14 cas), thành phố Vị Thanh 44 cas (tăng 8 cas),… Chỉ trong tuần vừa qua (tuần 34 tính đến ngày 21-8), toàn tỉnh ghi nhận thêm 15 cas mắc mới, tăng 4 cas so với tuần trước. Đặc biệt, số cas bệnh xuất hiện tập trung nhiều ở một vài địa phương. Điều này tiềm ẩn và báo hiệu nguy cơ bùng phát dịch nếu không có sự phòng, chống chủ động từ các ngành liên quan, cũng như ý thức nơi người dân.
Bà Mai Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, huyện Vị Thủy, cho biết: “Trường tôi năm nay có lượng trẻ khá đông, với gần 350 em, do đó, việc phòng bệnh TCM lại càng được quan tâm. Ngành y tế cũng kết hợp với trường tuyên truyền cho phụ huynh về kiến thức nhận biết và phòng bệnh. Giáo viên đều được tập huấn và có kinh nghiệm phòng, chống TCM, đảm bảo vệ sinh phòng học bằng Cloramin B 2 lần/tuần”.
Chủ động phòng bệnh
Để phòng, chống hiệu quả, các giáo viên còn hướng dẫn trẻ cách rửa tay, sau đó, cho các em thực hành để hiểu rõ hơn. Các lớp học đều có số lượng học sinh khá đông, nên nếu xuất hiện một trẻ mắc bệnh, nguy cơ lây lan là rất cao. Bà Nguyễn Lê Minh Trân, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hương Sen, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Ngoài điểm chính, trường còn có 2 điểm phụ, may mắn là điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo nên các giáo viên khá thuận lợi trong việc vệ sinh trường, lớp phòng bệnh TCM. Đầu năm, chúng tôi đã tổ chức họp phụ huynh để thông báo tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống nhằm giúp công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ hơn”.
Thời điểm hiện nay, khi trẻ bước vào năm học mới, cùng với điều kiện thời tiết thuận lợi, sẽ khiến bệnh dễ lây lan và phát triển. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, tổn thương ở da (rát đỏ, nổi mục nước một số vị trí như quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông), trẻ dễ quấy khóc… Để hạn chế TCM lây lan, các giáo viên khi đón trẻ đều nên quan sát kỹ, nhằm nhận biết sớm các trường hợp bệnh.
Khi phát hiện trẻ bị mắc TCM, phụ huynh không nên cho con đến lớp. Tốt nhất là chờ đợi khi bệnh hết hẳn, nhằm tránh lây lan cho trẻ khác. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; đảm bảo chế độ dinh dưỡng để trẻ nâng cao sức đề kháng,… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh TCM cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Thi, ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Thấy thông tin trên báo, đài, nhà trường tuyên truyền nhiều về TCM nên tôi sợ lắm. Do đó, tôi nghĩ bản thân là phụ huynh nên tự ý thức đảm bảo vệ sinh đồ chơi, ăn uống cho con để hạn chế lây lan, chứ không nên ỷ lại vào nhà trường hay ngành chức năng”.
Còn ngành y tế, thời gian qua cũng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong công tác phòng, chống bệnh TCM. Cụ thể, ngành y tế đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, giám sát phòng bệnh TCM ở các điểm trường; cấp phát Cloramin B kịp thời cho các trường; đẩy mạnh công tác truyền thông trong trường học; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; kịp thời xử lý khi xảy ra ổ dịch…
Bệnh TCM vẫn có chiều hướng gia tăng, nên cần sự chủ động từ nhà trường, ngành y tế và người dân để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ngày 26-8, tỉnh đã họp triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút Zika và bệnh TCM đợt III. Dự kiến, thời điểm ra quân vào đầu tháng 9, trong đó có mục tiêu 100% trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ tư nhân thực hiện phòng chống muỗi đốt, vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ và phòng học.
 
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]