Cần làm gì khi trẻ suy dinh dưỡng ?

Thứ sáu - 24/11/2023 13:42
Nhiều gia đình lo lắng khi trẻ suy dinh dưỡng, nhưng không biết cách chăm sóc để cải thiện dinh dưỡng. Bác sĩ chuyên khoa 1 Thạch Neng Xuân Chính, Trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, chia sẻ: Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và trí tuệ của bé sau này và có những tư vấn cụ thể.
Để xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không?, ngoài việc quan sát các dấu hiệu thường gặp, phụ huynh còn dựa vào các chỉ số cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi để so sánh. (Ảnh: Phước Thắng)
Để xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không?, ngoài việc quan sát các dấu hiệu thường gặp, phụ huynh còn dựa vào các chỉ số cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi để so sánh. (Ảnh: Phước Thắng)

Thưa bác sĩ, những dấu hiệu nào giúp các gia đình có thể nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng ?
- Suy dinh dưỡng là hậu quả của chế độ ăn thiếu protein và năng lượng lâu dài dẫn đến sự chậm phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết trẻ suy dinh dưỡng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng là buồn bực hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt, các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần. Trẻ chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng, chậm mọc răng.
Để xác định trẻ có suy dinh dưỡng hay không, ngoài việc quan sát các dấu hiệu trên, phụ huynh còn dựa vào các chỉ số chuẩn để so sánh với con mình như dựa vào cân nặng theo tuổi, hay dựa vào chiều cao theo tuổi.
Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng, thưa bác sĩ ?
- Nguyên nhân đầu tiên là trẻ không được bú sữa mẹ. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân là do gia đình cho trẻ ăn dặm không đúng cách, cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn. Nếu cho trẻ ăn quá sớm hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện sẽ khiến trẻ khó hấp thu thức ăn, khó tiêu, gầy yếu. Còn khi cho trẻ ăn quá muộn sẽ làm tăng trưởng chậm do thiếu năng lượng.
Một số gia đình không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ. Cho trẻ ăn quá ít bữa trong ngày. Kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh. Thành phần thức ăn không đảm bảo chất lượng. Trẻ mắc một số bệnh lý bẩm sinh phải sử dụng thuốc lâu dài.
Gia đình cần phải làm gì, chăm sóc như thế nào để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ, thưa bác sĩ ?
- Phụ huynh cần lưu ý bổ sung thực phẩm bổ dưỡng cho con đúng cách. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho con ăn dặm đúng thời điểm, luyện tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ, trong quá trình ăn tập trung vào bữa ăn, không nên có mặt những thiết bị điện tử để trẻ không bị ảnh hưởng trong quá trình ăn. Khi trẻ trên 1 tuổi nên đa dạng thực phẩm cho trẻ đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng: đạm, bột đường, chất béo, vitamin và các chất khoáng.
Trẻ suy dinh dưỡng rất biếng ăn, bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần làm gì giúp trẻ thèm ăn hơn để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ?
- Các gia đình có thể kích thích sự ngon miệng của trẻ với 3-4 bữa ăn chính kèm thêm 1-2 bữa phụ. Các bữa ăn cách nhau 3-4 giờ, mỗi bữa ăn kéo dài 20-30 phút, giữa các bữa chỉ cho bé uống nước chín. Kích thích vị giác trẻ bằng màu sắc của thức ăn hay chén, muỗng đẹp, bắt mắt. Tạo không khí bữa ăn gia đình vui vẻ. Nên cho trẻ ăn với chén riêng.
Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo cung cấp những nhóm chất thiết yếu: protein, chất béo, tinh bột, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất.
Trẻ em được bú mẹ và ăn uống đầy đủ chất sẽ không bị thiếu vitamin. Tuy nhiên, có một số trường hợp khiến trẻ bị thiếu vitamin và khoáng chất như: trẻ ăn uống thiếu thốn, ăn thực phẩm không đủ chất lượng, mắc một số bệnh lý (tiêu chảy kéo dài, sốt rét, bệnh gam mật, rối loạn hấp thu) hay trẻ sinh non, sinh đôi thì cần bổ sung vitamin cho trẻ.
Những thói quen nào không tốt các gia đình nên tránh trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng, thưa bác sĩ ?
- Dù mong muốn cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhưng các gia đình không nên ép trẻ ăn hay cho trẻ ăn vặt không đúng cách. Hoặc làm trẻ phân tâm trong quá trình ăn. Người chăm sóc trẻ không nên quá nuông chiều trẻ. Một số gia đình chưa quan tâm chế biến thức ăn, cách chế biến thức ăn không hấp dẫn. Không cân đối dinh dưỡng, thiếu vi chất, vitamin thiết yếu,…

Xin cảm ơn bác sĩ !

Tác giả bài viết: BÍCH THIỆN - HỒNG DIỄM thực hiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]