Hậu Giang chưa công nhận “vùng xanh” ở các địa phương. Từ ngày 23-8, người dân vẫn phải đi chợ theo giờ, không ra đường trong khung giờ quy định…

Thứ ba - 24/08/2021 20:15
Hậu Giang hiện chưa công nhận "vùng xanh" ở bất cứ địa phương nào, nên vẫn thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo Công văn 1532 ban hành ngày 15-8 vừa qua.
Hậu Giang hiện chưa công nhận "vùng xanh" ở bất cứ địa phương nào, nên vẫn thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo Công văn 1532 ban hành ngày 15-8 vừa qua.

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn 1568 về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, từ ngày 23-8 tới vẫn phải thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo Công văn số 1532 đã ban hành ngày 15-8, cho đến khi được công nhận “vùng xanh”.
Việc công nhận “vùng xanh” sẽ thực hiện sau đợt xét nghiệm diện rộng tiếp theo (đợt III), bắt đầu từ ngày 25-8. Như vậy, đến nay Hậu Giang chưa công nhận bất cứ "vùng xanh" nào trên toàn địa bàn tỉnh. Việc thiết lập "vùng xanh" ở các địa phương hiện nay không phải là đã được công nhận "vùng xanh".
Người dân phải chấp hành những quy định gì từ ngày 23-8?
* Đối với địa bàn đang thiết lập “vùng xanh”, vùng cách ly y tế; các xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ/nguy cơ cao/nguy cơ rất cao:  Sẽ tiếp tục thực hiện theo Công văn số 1532 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Thời gian thực hiện kể từ 00 giờ, ngày 23-8-2021 đến khi được công nhận “vùng xanh”.
Theo Công văn 1532: Yêu cầu tiếp tục thực hiện quy định “người dân tuyệt đối không ra đường kể từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau”, trừ trường hợp đặc biệt. Tiếp tục thực hiện khung giờ đi chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hàng ngày (buổi sáng: từ 5 giờ đến 9 giờ, buổi chiều: từ 15 giờ đến trước 18 giờ); đồng thời, thực hiện việc phát phiếu đi chợ cho người dân, mỗi hộ gia đình chỉ cử 1 đại diện đi chợ; người dân xã, phường, thị trấn nào đi chợ xã, phường, thị trấn đó, những nơi không có chợ, giao chính quyền địa phương chủ động có biện pháp đảm bảo việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân, nhưng phải đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người.
Tiếp tục áp dụng quy định sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc đảm bảo phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh: đối với trường hợp nhà xa (quãng đường từ nhà đến cơ quan có khoảng cách trên 5km đối với cấp tỉnh, 4km đối với cấp huyện, 3km đối với cấp xã) thì cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà hoặc sắp xếp chỗ ăn, nghỉ lại tại cơ quan; trừ lực lượng làm nhiệm vụ Ban Chỉ đạo và trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị và báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND tỉnh.
* Công văn 1532 cũng nhấn mạnh: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người và phương tiện ra, vào tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch cửa ngõ, tuyến giao thông chính của tỉnh (cả đường bộ và đường thủy); chú ý kiểm soát chặt các phương tiện vận chuyển vật tư, nông sản, hàng hóa; các đối tượng về từ vùng dịch…
* Đối với những nơi đang thiết lập vùng cách ly y tế, thực hiện theo quyết định của Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh
Khi địa phương chính thức được công nhận “vùng xanh”, thì các hoạt động sẽ nới lỏng ra sao?
Đối với các địa bàn được công nhận “vùng xanh” (sau khi thực hiện sàng lọc xét nghiệm diện rộng đợt 3 theo kế hoạch ngày 25/8/2021):
- Người dân trong “vùng xanh” được đi lại, trao đổi kinh doanh, mua bán hàng hóa, mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhưng không được ra khỏi vùng xanh, trường hợp thật sự cần thiết phải được cấp thẩm quyền cho phép và đồng thời chấp hành các quy định giới hạn sau:
+ Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, các hoạt động vận tải hành khách công cộng liên tỉnh, các hộ mua bán, kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên tuyến đường luồng xanh quốc gia, các hoạt động không thiết yếu như: karaoke, massage, xông hơi, điểm tư vấn sức khỏe bằng phương pháp ngồi, nằm máy massage, trò chơi điện tử, internet công cộng, rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, hồ bơi, bi da, yoga, zumba, các cơ sở làm đẹp (thẩm mỹ viện, xăm hình, chăm sóc da), các dịch vụ (cơ sở bấm huyệt, vật lý trị liệu), các giải đấu thể thao, điểm tham quan du lịch, hoạt động vui chơi, giải trí (biểu diễn nghệ thuật, hội chợ, chợ đêm), các điểm tập luyện thể thao đông người (trên 10 người); dừng các hoạt động thăm nuôi, tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa thân nhân, người ngoài với các phạm nhân, trại viên, bệnh nhân, học viên các Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Cơ sở cai nghiện ma túy, Trung tâm Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc trực tiếp giữa người nhà, người thân với bệnh nhân tại các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh.
+ Các nhà hàng, cơ sở, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phép hoạt động nhưng hạn chế về quy mô: thực hiện mỗi bàn không quá 04 người, khoảng cách mỗi bàn tối thiểu 2m; không được kinh doanh phục vụ tại chỗ đối với các loại thức uống có cồn.
+ Không tập trung trên 10 người tại một địa điểm ở nơi công cộng và ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động.
+ Các nhà máy, xí nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất: tổ chức hoạt động trong điều kiện bình thường mới; phải có kế hoạch kinh doanh, phương án thi công, phương án phòng, chống dịch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Người dân không ra đường kể từ 20 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau, trừ trường hợp: cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, lực lượng phòng chống thiên tai, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài, lực lượng phát hành thư, báo, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị, bộ phận xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật, các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến", phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, gas.
- Đối với xã, phường, thị trấn khi được công nhận “vùng xanh” liên xã thì không cần lập các chốt kiểm soát giáp ranh liên xã trên địa bàn huyện; các xã giáp ranh huyện lân cận Chủ tịch UBND cấp huyện trao đổi thống nhất với nhau phương án không lập các chốt kiểm soát giáp ranh, nhưng phải được sự thống nhất của Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh.
- Đối với việc vận chuyển hàng hóa:
+ Hàng hóa được vận chuyển từ ngoài tỉnh vào phải có bãi trung chuyển, tập kết lên, xuống hàng; hàng hóa phải được khử khuẩn trước khi chuyển sang phương tiện khác vận chuyển vào vùng xanh; lái xe khi vào bãi tập kết hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm. Trường hợp đặc biệt vận chuyển hàng hóa thẳng vào vùng xanh phải có địa chỉ cụ thể (có xác nhận hành trình điểm đi và điểm đến), có người giám sát dẫn đường, sau khi giao hàng xong phải quay về bãi tập kết hoặc về nơi xuất phát ngay.
+ Đối với lái xe và người đi cùng vận chuyển hàng hóa ra ngoài tỉnh, khi về phải đỗ xe và bố trí nơi ăn, nghỉ tại bãi tập kết, đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định (phải có xét nghiệm âm tính).
+ Việc vận chuyển hàng hóa nội tỉnh phải có địa điểm đã đăng ký trước, lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ thời điểm xét nghiệm; khi giao hàng phải thông báo trước cho chính quyền địa phương nơi đến biết và tài xế không được xuống xe.
- Tất cả mọi người dân phải chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).

Theo HOÀNG NGUYÊN tổng hợp

Nguồn tin: www.baohaugiang.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]