Chung tay phòng, chống tác hại thuốc lá

Thứ ba - 05/03/2024 13:55
Hút thuốc lá gây tác hại rất lớn cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6 triệu người trên trái đất tử vong vì khói thuốc, cả do hút trực tiếp lẫn gián tiếp. Riêng tại Việt Nam, hiện có hơn 15 triệu người hút thuốc lá, 38 triệu người bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ. Nếu tính trung bình mỗi người hút thuốc hút hết một gói thuốc, bình quân mỗi gói thuốc là 10.000 đồng thì 15 triệu người hút thuốc tại Việt Nam mỗi ngày “đốt” hết 150 tỉ đồng. Không chỉ thế, số tiền bỏ ra để điều trị bệnh do thuốc lá gây ra còn lớn gấp nhiều lần số tiền mua thuốc lá.
Đối với những người hút thuốc lá thì việc từ bỏ là vô cùng khó khăn đối với họ, đặc biệt là những người hút thuốc lâu năm. Có người bỏ hút thuốc vì được bác sĩ cảnh báo về tình trạng bệnh, nhưng khi thấy bệnh tình thuyên giảm là hút thuốc trở lại. Không ít quý ông nỗ lực bỏ thuốc nhưng tỷ lệ thành công rất thấp, không đến 30%. Có nhiều nguyên nhân làm cho người hút thuốc lá không thể từ bỏ. Có người hút vì muốn cho đầu óc tỉnh táo để làm việc, có người hút vì phải thức đêm để lái xe… Tuy nhiên, lợi ích mà thuốc lá mang lại thì rất nhỏ bé mà tác hại thì lại vô cùng to lớn. Để từ bỏ được thuốc lá, đòi hỏi người hút phải có ý chí, sự quyết tâm và cả biện pháp cai thuốc.
Đầu tiên, người muốn cai thuốc phải xác định động cơ để cai thuốc lá khi động cơ cai nghiện thuốc lá càng cao thì quyết tâm càng lớn và tỷ lệ thành công cũng càng lớn.
Thứ hai, chọn biện pháp cai phù hợp. Người cai thuốc nên áp dụng phương pháp cai từ từ, “bỏ ngang” hay cai với sự hỗ trợ bằng thuốc? Điều này tùy thuộc vào thời gian hút thuốc, liều lượng, đã có vấn đề gì về sức khỏe hay không?
Thứ ba, chọn thời điểm cai thuốc lá đúng lúc. Nên bắt đầu cai thuốc lá khi không phải làm việc căng thẳng, không bị áp lực từ công việc, học tập hoặc những lúc gặp chuyện không vui,…
Thứ tư, chuẩn bị tinh thần để đối phó với những khó khăn khi cai thuốc lá. Những triệu chứng khó chịu như nhức đầu, lo âu, căng thẳng, thiếu tập trung, trầm cảm, ho... sẽ xuất hiện sau khi ngưng hút vài giờ và kéo dài đến vài tuần. Ngoài ra, người cai thuốc sẽ bị tăng cân vì các khứu giác và vị giác được phục hồi sau khi bỏ thuốc giúp ăn ngon miệng hơn dễ dẫn tới tăng cân. Để khắc phục điều này cần giảm bớt chất béo, đường, bột, tăng cường rau xanh và trái cây ít đường.
Bên cạnh đó, các yếu tố tâm lý khác sẽ làm bạn dễ hút trở lại như gặp bạn bè hút thuốc, nhất là loại thuốc mà mình thích; vào quán uống cà phê, các tiệc nhậu,... Do đó, trong thời gian đầu, người cai thuốc cần cảnh giác tránh các yếu tố gợi nhớ đến thuốc lá như mồi thuốc, rít thuốc, nhả khói, gõ gõ vào gạt tàn,... Để tập quên dần những thói quen này có thể thay bằng cầm một hộp kẹo the có nắp mở giống cái bật lửa chẳng hạn hoặc nhai kẹo cao su thay thế,... Đặc biệt, nên có cuốn sổ ghi chép những tình huống và cách mình đã đối phó với những trở ngại đó để rút kinh nghiệm cho việc cai thuốc. Ngoài ra, người cai thuốc phải tranh thủ sự hỗ trợ của mọi người xung quanh, góp phần cho việc cai thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn.
Để mỗi ngày chúng ta được sống trong môi trường trong lành, sống vui, sống khỏe và đạt năng suất cao trong công việc, mọi người hãy cùng chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bác sĩ Nguyễn Thị Mãi (Khoa Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, CDC Hậu Giang)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]