Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ 10-11 đến ngày 10-12-2023) có chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”

Thứ ba - 12/12/2023 09:15
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ 10-11 đến ngày 10-12-2023) có chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mục tiêu triển khai Tháng hành động năm nay nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm về việc tổ chức Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12 và Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 triển khai trên toàn quốc; thời gian thực hiện chương trình kéo dài từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2023. Việt Nam đã trải qua hơn 32 năm (kể từ năm 1991) đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, từ chỗ người dân chưa hiểu biết gì về HIV/AIDS, thì theo điều tra gần đây, có 100% người dân hiểu biết về HIV/AIDS và biết cách phòng ngừa HIV/AIDS.
Tháng hành động đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm thu hút sự quan tâm của không chỉ lãnh đạo mà cả người dân và huy động cả cộng đồng vào cuộc chiến với HIV/AIDS. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023, Việt Nam chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.
Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm tác hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.
Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (Hiện nay >10.000 trường hợp/năm).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân)
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).
Trong những năm qua, các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PrEP. Các tổ chức cộng đồng có đã đóng góp phát hiện mới hơn 50% số người nhiễm HIV, giới thiệu phần lớn khách hàng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng PrEP, hỗ trợ chuyển gửi người nhiễm HIV đi điều trị sớm ARV và đặc biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.
Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.

1. Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!
2. Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vi một Việt Nam không còn AIDS!
3. Tuổi trẻ chung vai, vì ngày mai không còn HIV/AIDS!
4. Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn!
5. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính minh và người thân!
6. Tuân thủ điều trị ARV để đạt được K=K!
7. Người có hành vi nguy cơ cao nên xét nghiệm HIV định kỳ 6 tháng 1 lần.
8. Điều trị ARV sớm giúp khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV!
9. Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời!
10. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
11. Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!
12. Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
13. Dự phòng và điều trị HIV/AIDS - Không để ai bỏ lại phía sau!
14. PrEP giúp bạn dự phòng lây nhiễm HIV!
15. Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
16. Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12/2023!
17. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023!

         

Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Bích Thiện (Nguồn: Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[SITE_BTN_TOOL]